Skip to navigation Skip to main content

Kỳ Tích Đất Nước Có Sự Đóng Góp Của Ngành Logistics

Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc khá nhiều vào nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh hạn chế, chỉ một biến động nhỏ của thế giới cũng gây tác động lớn tới kinh tế – xã hội trong nước. Trong bối cảnh đó, tăng trưởng kinh tế năm 2022 của nước ta đạt mức 8,03%, vượt xa mục tiêu kế hoạch; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp 3,15%; tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn gấp đôi tỷ lệ lạm phát. Đây là nét "khác biệt đáng tự hào" trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với lạm phát cao nhất trong 40 năm qua, kinh tế thế giới có thể rơi vào tình trạng đình lạm.

Vị thế kinh tế Việt Nam trong thương mại quốc tế được củng cố và khẳng định. Trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm, đứt gãy chuỗi cung ứng, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu gặp khó khăn về nguyên vật liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm sau vẫn cao hơn năm trước, phản ánh sự năng động, vượt khó đi lên trong việc tìm kiếm nguồn hàng, tìm kiếm thị trường. Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả năm vượt mốc 730 tỷ USD, với 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, cán cân thương mại xuất siêu ở mức cao (ước tính 11,2 tỷ USD) góp phần giảm bớt áp lực tỷ giá trên thị trường ngoại tệ.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam là điểm sáng của nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư và thương mại quốc tế suy giảm. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cả năm 2022 đạt trên 20 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm qua. Đặc biệt, thu hút đầu tư nước ngoài chuyển hướng, đáp ứng mục tiêu phát triển xanh và bền vững, đưa kinh tế Việt Nam tham gia sâu hơn vào mạng lưới cung ứng toàn cầu.

Kết quả đầu tư trực tiếp nước ngoài và thương mại quốc tế cho thấy các nhà đầu tư đang đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư, vị thế kinh tế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cộng đồng thế giới đánh giá Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại quốc tế và cam kết mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.

Năm 2022, kinh tế nước ta đạt kết quả phát triển khá toàn diện, đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội là nhờ cộng đồng doanh nhân năng động, linh hoạt, chủ động vượt khó, không khoanh tay đứng nhìn. Hệ lụy từ đại dịch khiến doanh nghiệp phải đương đầu với giá nguyên, nhiên, vật liệu và logistic tăng cao; thiếu hụt linh kiện lắp ráp; khó khăn về vốn, tài chính; thiếu hụt lao động và các rào cản pháp lý. Trong khó khăn như thế, cộng đồng doanh nhân Việt Nam vẫn hăm hở lao vào kinh doanh, thể hiện qua số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động bình quân một tháng trong năm đạt trên 17.500 doanh nghiệp.

Cùng với sự năng động, vượt khó của cộng đồng doanh nhân, Chính phủ với tư duy đột phá, hành động khẩn trương, linh hoạt, đặt hiệu quả chỉ đạo lên trên hết, với sự đồng hành hiệu quả của Quốc hội, nhiều chính sách, giải pháp ban hành và triển khai thực hiện đúng thời điểm đã tạo điều kiện tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh, khắc phục các điểm nghẽn và bất cập của nền kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trong bối cảnh thế giới bất định, đưa nền kinh tế phục hồi và phát triển.

Những điểm sáng trong bức tranh kinh tế đã được Moody's nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2 với triển vọng ổn định. Fitch xếp hạng BB với triển vọng "tích cực". Nikkei Asia nâng hạng chỉ số phục hồi Covid-19 của Việt Nam lên thứ 2 thế giới.

Trong năm 2022, kinh tế thế giới có nhiều bất định, khó lường, tác động mạnh tới kinh tế trong nước. Trong bối cảnh đó, kinh tế nước ta đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ, tạo thế và lực cho đất nước phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới. Ngành Logistics Việt Nam tự hào đã có những đóng góp quan trọng vào kỳ tích của đất nước.

Nguồn : VLR