Skip to navigation Skip to main content

Việt Nam lọt top đầu thị trường mới nổi về tốc độ phát triển logistics

Việt Nam là nước xếp hạng top đầu thị trường mới nổi, tốc độ phát triển của ngành logistics ở Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14-16%, quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm.

Theo ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ngành dịch vụ logistics đóng góp tích cực vào các hoạt động kinh tế, trước hết là xuất nhập khẩu và sản xuất, lưu thông phân phối trong nước. Mặc dù chi phí logistics của Việt Nam vẫn còn khá cao so với các nước phát triển trên thế giới, nhưng những năm qua ngành dịch vụ logistics đã có những đóng góp không nhỏ trong hoạt động xuất nhập khẩu, đưa hoạt động xuất nhập khẩu thành một điểm sáng bởi tốc độ tăng trưởng vượt bậc so với giai đoạn trước.

 

Tốc độ phát triển của ngành logistics ở Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14-16%.

 

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam từ mức 428,1 tỷ USD năm 2017 lên 681,1 tỷ USD năm 2023 với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 8,4%/năm cho cả giai đoạn 2017 - 2023. Đặc biệt trong những năm 2020, 2021 và 2022 vừa qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu luôn tăng trưởng dương bất chấp những khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Bên cạnh đó, hạ tầng logistics ngày càng được cải thiện. Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương quan tâm đầu tư phát triển các tuyến đường cao tốc, các sân bay, bến cảng và trung tâm logistics được xây dựng mới, mở rộng đã góp phần nâng cao năng lực xử lý hàng hóa, thúc đẩy lưu thông hàng hóa nhanh chóng và thuận tiện.

Ngoài ra, thị trường dịch vụ logistics ngày càng mở rộng, số lượng doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ logistics cũng gia tăng và từng bước được nâng cao, tham gia tích cực vào việc hỗ trợ sản xuất, lưu thông trong nước và xuất nhập khẩu.

Việt Nam hiện có hơn 34.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 43/139 nước và vùng lãnh thổ tham gia nghiên cứu, tăng 21 bậc so với năm 2016. Việt Nam cũng là nước xếp hạng ở tốp đầu trong các thị trường mới nổi, tốc độ phát triển của ngành logistics ở Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14-16%, quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cũng chỉ ra hoạt động phát triển logistics quốc gia vẫn còn một số tồn tại như trong thời gian vừa qua, Chính phủ cùng các Bộ, ngành đã rất nỗ lực trong việc tiếp tục xây dựng khung khổ pháp lý, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng lành mạnh cho hoạt động logistics ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong triển khai thực tiễn, các cơ quan quản lý cấp Sở, ngành, địa phương và các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, chủ yếu là do một số các quy định vẫn còn chồng chéo chưa phù hợp.

Công tác phối hợp nghiên cứu, triển khai xây dựng quy hoạch của các Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự phát huy hiệu quả, hiệu lực; một số tỉnh, thành phố có tiềm năng nhưng cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư tương xứng nên các hoạt động dịch vụ logistics nhìn chung chưa phát triển được.

Đồng thời, điểm yếu của các doanh nghiệp logistics Việt Nam là chi phí dịch vụ còn cao, chất lượng cung cấp một số dịch vụ còn chưa đáp ứng được các thị trường khó tính. Nguyên nhân chính là hạn chế về quy mô doanh nghiệp, về vốn, kinh nghiệm và trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động quốc tế.

Bên cạnh đó, là hạn chế về kết cấu hạ tầng logistics và chi phí vận tải trên đường bộ, phụ phí cảng biển do các chủ tàu nước ngoài áp đặt.

Để khắc phục những bất cập trên, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã nghiên cứu và xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Dự thảo Chiến lược đặt mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam bền vững, hiệu quả, chất lượng và có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới, phát huy lợi thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 6-8%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 60 - 70%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 - 18% GDP; xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 45 trở lên.

Đến năm 2050, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 12 - 15%; tỷ lệ thuê ngoài đạt 70-90%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 10-12%; xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 30 trở lên.

Các nhóm nhiệm vụ lớn được nêu ra tại chiến lược bao gồm: Hoàn thiện thể chế pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ logistics; đổi mới quy hoạch, đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển dịch vụ logistics Việt Nam theo hướng đồng bộ, hiện đại; phát triển thị trường dịch vụ logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong lĩnh vực dịch vụ logistics...

Nguồn: Baomoi.com